Đại hồng bào là loại trà đứng đầu trong số các loại trà ở núi Vũ Di, cây sinh trưởng trong khe Cửu Long phía bắc núi Vũ Di. Nơi Đại hồng bào sinh trưởng cao cách mặt nước biển 600m, nước khe luôn tuôn chảy, sương mù vây quanh, thổ nhưỡng rất thích hợp với cây trà. Truyền thuyết kể rằng, giống trà Đại hồng bào là do chim hạc tiên ngậm hạt từ đảo Bồng Lai bay qua làm rơi bên vách núi Vũ Di, hạt mọc lên thành cây trà. Hiện nay nơi vách núi này có khắc ba chữ màu đỏ “Đại hồng bào”.
Cành và lá của cây trà Đại hồng bào rậm dày, cành hơi hướng lên, phiến lá rộng, có hình bầu dục, đầu lá nhọn chúc xuống, hai mép lá xoắn vào, màu của lá xanh đậm và bóng, Nếu là chồi non mới nhú thì sẽ có sắc đỏ. Hàng năm cứ vào dịp đầu xuân khi cây trà đâm chồi, từ xa mà nhìn, cả cây khoác lên một màu đỏ, tựa chiếc áo bào. Cũng theo truyền thuyết, ngày xưa vị hoà thượng ở chùa Thiên Tâm từng hái lá trà của những cây trà này trị khỏi bệnh cho một vị Hoàng đế, Hoàng đế liền đem chiếc áo bào dành trạng nguyên mặc khoác lên cây trà để biểu thị lòng cảm tạ, và áo bào đã nhuộm đỏ cây trà.
Cây trà Đại hồng bào đã có tuổi hơn ngàn năm, hiện chỉ còn sót lại 4 cây trên vách của khe Cửu Long. Nước suối trong khe nuôi dưỡng cây trà, không cần phân bón mà cây vẫn luôn tươi tốt. Hàng năm cứ vào ngày 13 đến ngày 15 tháng 5, người địa phương dùng thang để hái trà, sản lượng cực ít, chỉ được mấy lạng, nên được xem là loại trân bảo hiếm có trên thế giới.